Sự thật về công nghệ VAR và cách thức hoạt động của nó

Thể Thao 247 - VAR đang là nét mới lạ ở mùa World Cup lần này. Chúng ta hãy tìm hiểu xem công nghệ này hoạt động như thế nào.

Đầu tiên cần phải hiểu khái niệm VAR. VAR là viết tắt của Video Assistant Referee, có nghĩa là Trợ lý trọng tài video.

Hiểu đúng bản chất thì VAR là một tổ trọng tài bốn người, có nhiệm vụ hỗ trợ trọng tài chính trên sân bằng video. Tất cả các thành viên trong tổ này đều là trọng tài cấp FIFA. Tại World Cup 2018, Ủy ban trọng tài FIFA đã tuyển chọn 13 trọng tài làm nhiệm vụ VAR. Trong đó có một tổ trưởng tổ VAR (VAR) và 3 trợ lý VAR (AVAR). Họ đều được huấn luyện và có kinh nghiệm sử dụng hệ thống video, kĩ thuật hỗ trợ.

Ngoài ra, trong tổ giám sát còn có thêm 4 nhân viên kĩ thuật. Hai người trong số này sẽ chọn sẵn góc máy camera, hai người còn lại sẽ cung cấp các góc máy theo yêu cầu của VAR và AVAR2.

Nhiệm vụ của thành viên tổ VAR

Nhiệm vụ của 4 người trong tổ VAR rất rõ ràng, AVAR1 tập trung vào camera chính, và đảm bảo cho VAR (tức tổ trưởng) vẫn nắm bắt được tình hình trên sân trong khi đang đánh giá lại 1 tình huống. AVAR3 tập trung vào các thông tin trên màn hình, hỗ trợ VAR đánh giá tình huống, và đảm bảo sự trao đổi và liên lạc thông suốt giữa VAR và AVAR2. AVAR2 là trợ lý theo dõi các đường việt vị, dự đoán và kiểm tra các tình huống có khả năng việt vị giúp VAR nhanh chóng kiểm tra và đánh giá tình huống hơn.

Còn tổ trưởng VAR theo dõi góc máy chính ở màn hình phía trên và kiểm tra, đánh giá lại tình huống thông qua màn hình được chia 4 góc máy ở phía dưới. Tổ trưởng làm nhiệm vụ điều hành tổ VAR và liên lạc với trọng tài chính trên sân, và có thể gọi ngắn gọn là VAR.

VAR làm việc ở đâu?

Nếu theo dõi trên truyền hình, chúng ta sẽ bắt gặp các hình ảnh các trọng tài trong một căn phòng. Căn phòng này không nằm trên SVĐ mà ở trung tâm truyền hình quốc tế IBC (Moscow).

Tất cả các dữ liệu từ các camera của 12 SVĐ sẽ gửi đến VAR thông qua mạng cáp quang. Còn các trọng tài dưới sân sẽ trao đổi với tổ VAR bằng hệ thống radio tín hiệu được truyền dẫn nhờ cáp quang siêu tốc từ IBC đến trung tâm radio của mỗi sân.

su-that-ve-cong-nghe-VAR-va-nhung-hieu-lam-dang-tiec

Tổ VAR có thể truy xuất 33 camera, trong đó có: 8 camera siêu chậm (super slow-motion), 4 camera cực chậm (ultra slow-motion), 2 camera việt vị đặc biệt chỉ dành riêng cho tổ VAR.

VAR sẽ hỗ trợ trọng tài chính khi nào?

Có 4 tình huống được VAR chọn khi trọng tài chính cần hỗ trợ:

- Bàn thắng và lỗi dẫn đến bàn thắng

- Quyết định thổi phạt đến và pha phạm lỗi dẫn đến phạt đền

- Tình huống dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp

- Nhận diện nhầm cầu thủ

Tổ VAR sẽ kiểm tra kỹ các tình huống liên quan đến 4 lỗi kể trên. Tổ VAR chỉ liên hệ với trọng tài chính tình huống lỗi rõ ràng hoặc tình huống nghiêm trọng bị bỏ qua. Ở World Cup 2018, trọng tài chính sẽ được hướng dẫn chi tiết khi nào thì nhận hỗ trợ từ VAR, khi nào xem lại video trước khi đưa ra quyết định.

 

Với trọng tài chính, sẽ có hai trường. Một là nhận tín hiệu từ VAR, trọng tài sẽ ra dấu vẽ một hình chữ nhật lên không trung, rồi xem xét sự hỗ trợ của VAR hoặc xem lại video.

 

Trường hợp hai, trọng tài chính ra dấu (đặt tay hoặc chỉ tay lên tai), đây sẽ không được coi là tình huống đánh giá chính thức từ VAR.

Trên đây là những thông tin rất hữu ích về VAR giúp nhiều người tránh hiểu lầm VAR là hệ thống máy móc. Thực chất VAR cũng là một tổ trọng tài, chỉ khi nhận định của họ khác với tổ trọng tài chính thì họ mới ra tín hiệu. Ngoài ra, NHM xem truyền hình cũng thắc mắc về cách thức và quy trình hoạt động của VAR, sự phối hợp giữa VAR và trọng tài nên bài viết này gần như giải đáp đầy đủ mọi thông tin.

Sau cùng, VAR cũng chỉ là hình thức hỗ trợ, còn người đưa ra quyết định cuối cùng là trọng tài chính - người điều khiển trực tiếp trên sân.

Theo dõi Thethao247 trên
TIN NÊN ĐỌC
MỚI NHẤT