Trong buổi họp báo sáng nay, HLV Park Hang Seo cho biết Công Phượng gặp khó khăn vì chênh lệch múi giờ. Vậy chênh lệch múi giờ là gì mà lại có thể gây ảnh hưởng như vậy?
Vấn đề mà Công Phượng gặp phải có tên là "hội chứng chênh lệch múi giờ" hay "Jet Lag" trong tiếng Anh.
Biểu hiện rõ nhất của hội chứng này là cơ thể mệt mỏi sau khi di chuyển giữa những địa điểm cách xa nhau về múi giờ trong thời gian ngắn bằng máy bay.
Khi đến một nơi chênh lệch nhiều múi giờ so với địa điểm xuất phát, nhịp sinh học của cơ thể cần từ hai đến ba ngày để thích nghi.
Trong thời gian chờ điều chỉnh, cơ thể hay gặp một số biểu hiện khó chịu như mệt mỏi, giấc ngủ thất thường, ăn uống không ngon miệng, rối loạn tiêu hóa, thân nhiệt thay đổi.
Điều này là do đến giờ theo nhịp sinh học cũ, cơ thể cần ngủ hoặc ăn nhưng địa điểm mới không cho phép cơ thể làm điều đó.
Trong trường hợp của Công Phượng, việc bay một mạch từ Bỉ (múi giờ GMT+2) về Việt Nam (múi giờ GMT+7) gây ra sự chênh lệch thời gian là 5 tiếng.
Vì thế, khi ở Việt Nam đã sáng và đến giờ luyện tập, thì theo giờ Bỉ, cầu thủ của Sint-Truidense vẫn đang được ngủ và ngược lại. Chính vì vậy không khó hiểu khi Công Phượng cảm thấy mệt mỏi.
Điều này càng tăng thêm khi anh mới về nước từ sáng 7/10 và chỉ có 2 ngày để thích nghi và luyện tập chuẩn bị cho trận đấu trước đối thủ Malaysia có cùng múi giờ với Việt Nam.
Giống như Công Phượng, cầu thủ đang chơi ở giải VĐQG Hà Lan Đoàn Văn Hậu, cũng ở Châu Âu và trong khu vực giờ GMT+2.
Tuy nhiên chuyến bay của Văn Hậu có thời gian trung chuyển lên đến gần một ngày do bị chậm chuyến ở Nga nên cầu thủ này có nhiều thời gian hơn để dần thích nghi so với Công Phượng.
Mặc dù vậy, những hình ảnh trong buổi tập vào chiều 7/10 cho thấy Công Phượng khá năng nổ cùng các đồng đội và ít các biểu hiện mệt mỏi.
Hy vọng cầu thủ khá có duyên với mảnh lưới Malaysia sẽ phục hồi toàn bộ phong độ trước khi bước vào trận đấu vào tối mai.