Sai lầm trong trận chung kết SEA Games 2003 không chỉ khiến U23 Việt Nam mất đi một tấm HCV, mà còn khiến sự nghiệp Lê Đức Tuấn in một vết đen không bao giờ xóa được.
Nội dung chính
Highlights: U23 Việt Nam 0-3 U23 Thái Lan (Nguồn: VTC)
Phút 32 của trận chung kết SEA Games năm 2003 giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan, từ một pha chuyền bóng bên cánh trái, Lê Đức Tuấn có pha phá bóng hụt, tạo điều kiện để Sarayuth Chaikamdee mở tỷ số trận đấu. Tình huống này không chỉ khiến đội bóng của HLV Alfred Riedl sớm gặp bất lợi đầu trận mà còn đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp thi đấu ĐTQG của chính cầu thủ Hà Nội.
Cú phá bóng định mệnh
Trước khi trận chung kết SEA Games 2003 diễn ra, U23 Việt Nam gặp tổn thất nghiêm trọng khi hậu vệ trái Văn Trương không thể thi đấu vì bị treo giò. Hậu vệ trái đúng nghĩa còn lại là Lâm Tấn vì lo lắng áp lực mà từ chối ra sân. Thử nghiệm đẩy Minh Phương sang vị trí này cũng không được khi cựu cầu thủ Bình Phước nhất quyết đá ở vị trí sở trường.
Hết cách, HLV Alfred Riedl đành phải đẩy Lê Đức Tuấn trám vào vị trí này, dù cho chàng trai khi ấy mới 21 tuổi có sở trường đá bên cánh phải. Khác với những người đồng đội của mình, Đức Tuấn đồng ý ngay với yêu cầu, phần vì nghĩ cho đội phần vì sự “háu đá” của bản thân. Cậu chỉ có đúng hai buổi tập nhẹ chuẩn bị cho khoảnh khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, khoảnh khắc sai lầm trên đã đẩy Lê Đức Tuấn sang một ngã rẽ khác mà có lẽ anh không thể ngờ tới. Dù cho Văn Quyến đã ghi bàn cân bằng tỷ số 1-1 nhưng Việt Nam vẫn thua. Phút 96, Nattaporn Phanrit tung cú sút chân trái trái phá găm thẳng vào góc cao khung thành, ấn định tỷ số 2-1. Thái Lan giành HCV SEA Games ngay trên sân nhà Mỹ Đình. Một nỗi đau không thể xoa dịu với NHM Việt Nam.
Hết trận đấu, sự chú ý dành hết cho những người bị tình nghi bán độ. Lê Đức Tuấn, một cầu thủ chưa nổi tiếng và mới chỉ 21 tuổi trở thành nghi can hàng đầu.
Hàng loạt cuộc điều tra sau đó được công an thực hiện để truy tìm nguyên nhân của nỗi đau bóng đá Việt Nam. Kết quả cuối cùng khẳng định: Lê Đức Tuấn không bán độ.
"Giá như nó đừng đến"
Nhưng miệng lưỡi thế gian đâu có ngưng ám ảnh sự nghiệp của Đức Tuấn. Khi trở về CLB Hà Nội ACB, mỗi lần ra sân là mỗi lần anh chứng kiến cảnh NHM đồng loạt hô “Thằng bán độ”. Còn người nhà anh cũng nhận đủ thứ lời lẽ xúc phạm miệt thị nhất.
Cảm thấy dùng dằng mãi trong khủng hoảng, Lê Đức Tuấn tự cách ly mình với xã hội. Anh thậm chí đã tính tới việc giải nghệ khi chỉ mới 22 tuổi. Chính những lúc khó khăn đó, sự động viên của người thân đã giúp anh vượt qua. Anh nhớ lời động viên của HLV Riedl khi tổng kết SEA Games 22: “Tất cả chỉ là tai nạn. Cậu có chuyên môn, lại còn trẻ, phải cố gắng tiếp tục chiến đấu”.
Đức Tuấn dần khẳng định được khả năng của mình. Năm 2006, anh được trao tấm băng đội trưởng CLB Hà Nội ACB, NHM từ lúc này mới thôi quay lưng. Năm 2013, anh trở thành cầu thủ hay nhất CLB Thanh Hóa. Năm 2014, anh còn lọt vào danh sách đội hình tiêu biểu của V-League.
Dẫu vậy, dù có thi đấu xuất sắc thế nào, Đức Tuấn cũng hiểu sự nghiệp của mình tại ĐTQG Việt Nam đã chấm dứt ngay ở khoảnh khắc định mệnh đó. Bây giờ có đôi lúc nghĩ lại trận chung kết năm ấy, anh ước rằng giá như nó đừng đến còn hơn.
Nhưng sai lầm năm ấy không hẳn chỉ toàn màu đen u ám. Nó giúp Lê Đức Tuấn bỗng có niềm đam mê mãnh liệt với công tác đào tạo trẻ. Và đó cũng là điều ý nghĩa anh đang nuôi nấng ngày từng ngày hiện tại.
“Sau hơn bốn năm dẫn dắt CLB Phù Đổng, tôi chuyển về làm cho U15 Hà Nội FC. Tôi muốn rèn giũa các em cả chuyên môn lẫn tinh thần để các em hạn chế sai lầm và đi vào vết xe đổ như tôi”, Lê Đức Tuấn chia sẻ với Vnexpress.
>>> Xem thêm: Cựu HLV Thái Lan: "Tôi đã khóc khi thua Việt Nam".
>>> Xem thêm: Đội hình 11 cầu thủ Việt Nam đã và đang thi đấu ở nước ngoài.