Khi nước tràn vào pin, động cơ hoặc nội thất, ô tô điện vẫn có thể bị hư hỏng nặng. Chủ xe cần biết cách xử lý để bảo vệ xe và giảm thiểu thiệt hại khi gặp nước ngập.
Những rủi ro khi ô tô điện bị ngập nước
Mặc dù ô tô điện không gặp phải các vấn đề nghiêm trọng như thủy kích - vốn là nỗi lo lớn với các xe động cơ đốt trong, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng hoàn toàn miễn nhiễm với rủi ro khi đối mặt với nước ngập.
Ô tô điện có thể hoạt động an toàn trong điều kiện mực nước cho phép và thời gian di chuyển nhất định. Tuy nhiên, việc lạm dụng và chủ quan trong các tình huống ngập nước có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của anh Hoàng Tân, cố vấn dịch vụ tại VinFast Hà Nội, việc điều khiển xe điện qua vùng nước ngập sâu trong thời gian dài hơn mức cho phép có thể khiến nước xâm nhập vào các bộ phận quan trọng như pin, nội thất hoặc động cơ điện.
Những bộ phận này khi tiếp xúc với nước có thể bị gỉ sét, hư hại và thậm chí, trong một số trường hợp hy hữu, nước có thể xâm nhập vào hệ thống pin, gây hư hỏng hoàn toàn.
Một minh chứng thực tế là trường hợp của một chủ xe Tesla Plaid Model S tại Mỹ. Chủ xe đã quyết định lái qua một vùng nước ngập sâu tới 2 mét, và hậu quả là cả hệ thống động cơ trước và sau đều bị nước lọt vào.
Chi phí sửa chữa cho những hư hỏng này lên tới 15.000 USD (khoảng 374 triệu đồng). Đây là một cảnh báo rõ ràng cho những ai đang sở hữu xe điện: ngay cả những công nghệ tiên tiến nhất cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối khi phải đối mặt với nước ngập quá sâu.
Ngoài các vấn đề về hệ thống điện và động cơ, nước ngập cũng có thể gây thiệt hại lớn cho nội thất của xe. Nước có thể tràn vào qua các khe cửa, cửa gió điều hòa, và các lỗ thoát nước không kín, dẫn đến hư hỏng nội thất như ghế, thảm và các thiết bị điện tử bên trong xe.
Nếu không được xử lý kịp thời, nước có thể làm hư hỏng toàn bộ nội thất, gây mất giá trị đáng kể cho xe.
Phương án xử lý khi xe điện bị ngập nước
Trong trường hợp ô tô điện không may bị ngập nước, điều đầu tiên cần làm là nhanh chóng đưa xe ra khỏi vùng ngập càng sớm càng tốt. Vì xe điện không gặp nguy cơ thủy kích, chủ xe có thể khởi động xe và di chuyển đến nơi an toàn.
Dù vậy, tài xế vẫn nên đi chậm, tắt điều hòa và hạ kính cửa xe để giúp không khí lưu thông, tránh tình trạng nước tràn vào nội thất qua các cửa gió điều hòa.
Nếu mực nước ngập quá cao hoặc không rõ mức độ an toàn, chủ xe tuyệt đối không nên tự ý di chuyển xe mà cần gọi ngay các phương tiện cứu hộ.Việc di dời xe khỏi vùng nước ngập càng sớm càng tốt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và hư hỏng cho xe.
Sau khi được cứu hộ, xe cần được đưa đến các trung tâm sửa chữa chính hãng để kiểm tra và bảo dưỡng kỹ lưỡng, đảm bảo không có nước ngấm vào hệ thống pin, động cơ hoặc các bộ phận khác gây gỉ sét và hư hại lâu dài.
Với tình hình thời tiết thất thường và mưa lớn như hiện nay, người dùng xe điện cần cân nhắc kỹ khi di chuyển qua các khu vực có nguy cơ ngập nước.
Việc này không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho chính mình mà còn góp phần kéo dài tuổi thọ cho phương tiện, tránh những chi phí sửa chữa không đáng có.