Rashford đang là tâm điểm trong những ngày gần đây tại Man United, sau cú đúp không tưởng trước Arsenal, nhiều người phải tự đặt câu hỏi vì sao cầu thủ này thường xuyên mất tích trong các trận đấu bình thường, và tỏa sáng ở những trận đấu lớn.
Man United hiện tại đang sở hữu 4 chiến thắng liên tiếp, điều này như một lời khẳng định đanh thép cho sự trở lại của Quỷ đỏ sau khởi đầu mùa giải có phần thiếu thuyết phục.
Rất nhiều điều tích cực đã được đội chủ sân Old Trafford rút ra từ trận đấu này, tân binh Antony có màn ra mắt ấn tượng, Eriksen và Bruno Fernandes thi đấu vô cùng ăn ý ở tuyến giữa. Hàng thủ với bốn cái tên là Dalot, Varane, Martinez và Malacia tỏ ra rất chắc chắn. Nhưng điều để lại ấn tượng lớn nhất phải kể đến Macus Rashford, với sự trở lại không thể tuyệt vời hơn.
Quay ngược lại trận đấu với Arsenal, trước khi công bố đội hình đã có nhiều ý kiến trái chiều khi các CĐV không hài lòng với quyết định để Rashford đá chính thay vì Ronaldo. Có nhiều sự chỉ trích hướng đến Ten Hag khi cho rằng tiền đạo người Anh không phải là mẫu tiền đạo thực thụ.
Nhưng kết quả thì khác biệt, Rashford ghi một cú đúp ấn định tỉ số giúp MU thắng Arsenal 3-1.
Theo thống kê từ khi ra mắt Ngoại hạng Anh đến hiện tại, chân sút tuyển Anh đã có 23 bàn thắng vào lưới các đội bóng Big Six trên tất cả các đấu trường.
Đây là một số liệu thống kê ấn tượng, con số này vẫn không thể phủ nhận một thực tế rằng phong độ của Rashford trong những năm gần đây không hề tốt, thi đấu nhạt nhòa, không hiệu quả trước các câu lạc bộ nhỏ.
Nhưng nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, tại sao Rashford lại liên tục thăng hoa khi gặp các đội bóng lớn.
Mùa giải 2015-2016, mùa giải mà Rashford chính thức ra mắt MU, đỉnh cao là cầu thủ này ngay lập tức có cú đúp vào lưới Arsenal và theo sau là bàn thắng vào lưới trận derby với Man City. Sau khi ra mắt và thi đấu thăng hoa trong mùa giải này, Rashford được kì vọng rất lớn tiếp bước người đàn anh Ronaldo sẽ tỏa sáng trong những mùa giải sau đó.
Nhưng mọi sự chờ đợi đều nhận sự thất vọng khi các mùa giải sau, cầu thủ người Anh chỉ ghi hạn chế được vài bàn thắng tại Premier League. Anh ghi được 5 bàn/32 trận ở mùa 2016/17 và ghi được 7 bàn/35 trận mùa 2017/18, tuy vậy có một hiện tượng lạ kéo dài đến bây giờ là phong độ cực cao của Rashford khi đối đầu với các đội bóng lớn.
Dấu mốc khởi đầu rõ ràng nhất vào năm 2017, trận đấu trước Chelsea khi đó HLV của MU là Mourinho. The Blues thời điểm đó đang là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch còn Quỷ đỏ đang khó khăn tìm kiếm cho một vị trí top 4. MU khi đó chỉ trông chờ vào lão tướng Ibrahimovic gánh vác trọng trách hàng công. Trước khi trận đấu diễn ra không nhiều CĐV trông chờ vào việc đội chủ sân Old Trafford giành thắng lợi, và khi MU chuẩn bị công bố đội hình, mọi CĐV đều tin rằng sẽ là đội hình mạnh nhất với hàng công sẽ là Ibrahimovic lãnh xướng.
Thế nhưng tất cả đã phải bất ngờ, khi HLV người Bồ Đào Nha đã để lão tướng 35 tuổi trên ghế dự bị và trao cơ hội cho Rashford, thời điểm đó chỉ ghi được 4 bàn thắng sau 30 trận. Nhưng đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn khi chính anh ghi bàn mở tỉ số và hành hạ hàng thủ Chelsea trong trận đấu đó.
Thực tế, khi nhìn rộng ra từ mùa giải Rashford ra mắt cho đến hiện tại. Dường như khi MU đối đầu với các đội trong nhóm Big Six, tâm thế của đội bóng luôn bị đánh giá thấp hơn, họ luôn chơi với đội hình thấp và nhường toàn bộ thế trận cho đối thủ và chủ rình rập các tình huống phản công.
Với cách bố trí như vậy, chắc chắn các cầu thủ giàu tốc độ sẽ được ưu tiên hơn so với các trung phong cao to ở trong vòng cấm. Các mùa giải vừa qua MU đã đưa về không ít các tiền đạo từ Ibrahimovic, Cavani, Lukaku và Ronaldo. Nhưng ở những trận cầu quan trọng thì Rashford luôn là cái tên được ưu tiên hơn cả.
Điểm mạnh lớn nhất của tiền đạo người Anh là tốc độ và sự quyết liệt, đây là phẩm chất tuyệt vời cho các đội bóng sử dụng lối chơi phản công. Đỉnh cao của bóng đá phản công MU nằm ở hai mùa giải Ole cầm quyền, đội bóng chủ sân Old Trafford trở thành khắc tinh của nhà vô địch Man City.
Khi đó hàng công của MU bao gồm Martial, Rashford và Daniel James những cầu thủ vô cùng giàu tốc độ, đối mặt với một đội bóng có hàng thủ dâng cao như Man City, chiến thuật phản công nhanh và việc sử dụng cầu thủ của Quỷ đỏ như một lưỡi dao sắc bén cứa vào hàng hậu vệ của The Citizens. Đỉnh cao là trận thắng 2-1 của MU trước MC mùa giải 2019-2020.
Man City dù cầm bóng hơn 70%, tạo ra cú sút nhiều gấp đôi Man United, nhưng cuối cùng vẫn nhận thất bại. Ngay mùa giải này, dưới sự dẫn dắt của Erik Ten Hag người nổi tiếng với lối đá bóng đá tấn công, thì MU vẫn thi đấu với các đội trong Big Six theo tâm thế là đội cửa dưới, với sự xuất hiện của Eriksen thì những pha luân chuyển bóng lên tuyến trên giờ đây của Quỷ đỏ còn đáng sợ hơn nhiều.
Trong hai trận đấu với Liverpool và Arsenla đầu mùa giải năm nay, các bàn thắng của Rashford đều đến từ những pha phản công nhanh với những pha bóng chuyển trạng thái cực kì gọn lẹ. Nhưng khi đối mặt với các đội bóng cửa dưới từ đầu mùa giải đến giờ, có thể thấy được sự khó khăn của tiền đạo người Anh khi đối đầu với các đội bóng được đánh giá dưới cơ MU.
Nguyên nhân rõ ràng là với một cầu thủ không thuần là một tiền đạo cắm, ngoài việc chỉ có tốc độ khi đối mặt với các đội bóng có hàng thủ thấp, và tập chung nhiều ở trong vòng cấm thì việc chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng dường như là xác suất rất thấp. Vì vậy Ten Hag nên cân nhắc sử dụng xoay tua Ronaldo và Rashford trong những trận đấu với những đối thủ có lỗi đá khác nhau là rất cần thiết.
Ronaldo gửi thông điệp ‘hùng hồn’ đến Europa League
MU tái cơ cấu dưới bàn tay Ten Hag, ‘đống đổ nát hoang tàn giờ hóa vàng’