Trang InsideEVs cho rằng việc các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hợp tác với nhau có thể là chìa khóa giúp họ bắt kịp các đối thủ trong cuộc đua xe điện.
Henry Ford từng nói: "Đoàn kết là khởi đầu. Giữ vững đoàn kết là tiến bộ. Làm việc cùng nhau là thành công."
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, những gã khổng lồ của ngành sản xuất ô tô, đã tụt lại phía sau trong cuộc đua xe điện. Nhìn vào các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đang phát triển mạnh, họ nhận ra rằng đoàn kết là con đường tốt nhất. Giờ đây, một liên minh được dẫn đầu bởi Toyota, trong khi liên minh còn lại do Honda lãnh đạo. Với điều đó, toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản đã chuyển thành hai thế lực lớn.
Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản hợp nhất thành hai thế lực lớn
Theo chuyên trang InsideEVs, trong ngành công nghiệp xe điện, phần mềm là yếu tố then chốt nhất. Xe điện phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm cho hầu hết mọi chức năng, bao gồm quản lý pin, công suất, hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến (ADAS), hệ thống giải trí và nhiều chức năng khác.
Tesla đã làm chủ phần mềm và hiện nay chiếm lĩnh ngành công nghiệp xe điện toàn cầu, mặc dù doanh số của họ gần đây đã giảm. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản vẫn chưa thực sự làm chủ phần mềm.
Mặc dù Toyota vẫn là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới về số lượng bán ra, tác động của họ đối với ngành công nghiệp xe điện vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD, Xpeng, Geely và Li Auto đang nhắm đến việc thống trị thế giới. Biên tập viên Suvrat Kothari của InsideEVs e rằng họ đang sắp thành công phần lớn với dự định đó. Trong nỗ lực giành lại một phần thị trường đã mất, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nghĩ rằng hợp tác là cách tốt nhất.
Hiện tại, một bên là liên minh do Toyota dẫn đầu bao gồm Subaru, Suzuki và Mazda, họ đã hợp lực để phát triển xe điện và động cơ đốt trong thế hệ tiếp theo sử dụng nhiên liệu thay thế.
Ở phía còn lại, Honda gần đây đã hợp tác với Nissan và Mitsubishi để hình thành một "liên minh ba bên" nhằm làm chủ phần mềm, nền tảng xe điện, các bộ phận xe điện và nhiều yếu tố khác.
InsideEVs trích dẫn bài viết của Bloomberg:
“Trong khi Toyota đã liên kết với các đối tác nội địa từ lâu, khi mà họ là nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất thế giới trong bốn năm liên tiếp, Honda, Nissan và Mitsubishi đều là những thương hiệu nhỏ hơn nhiều. Sự kết hợp của họ được xem là một động thái của chính phủ Nhật Bản nhằm củng cố ngành công nghiệp ô tô của mình sau khi Trung Quốc nổi lên với danh hiệu nước xuất khẩu ô tô số một thế giới.
"Đây là sự phối hợp của chính phủ nhằm xây dựng một ngành công nghiệp ô tô cạnh tranh," James Hong, nhà phân tích tại công ty Macquarie Securities Korea Ltd., cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng hầu hết các nhà sản xuất ô tô ở Nhật Bản quá nhỏ để có thể đầu tư vào xe điện một cách độc lập.Đây là một liên minh được thúc đẩy bởi yếu tố chính trị.
Nissan, Honda và Mitsubishi đã tụt hậu trong việc chuyển đổi sang các phương tiện “được định nghĩa bằng phần mềm”. Chính phủ Nhật Bản đặt ra mục tiêu vào tháng trước cho các công ty của mình chiếm 30% thị trường này vào năm 2030.”
Động thái tất yếu
Khó khăn đưa mọi người lại gần nhau. Trong trường hợp này, cả các tập đoàn lớn cũng vậy. Nissan đang trong vòng xoáy tử thần. Lợi nhuận của họ giảm 99% trong quý trước. Mitsubishi là một trong những người tiên phong trong cuộc đua xe điện với mẫu i-MiEV, nhưng trong thời gian gần đây, họ không tạo ra được động lực đáng kể nào cho riêng mình. Sự hợp tác của Honda với General Motors đã thất bại, mặc dù mẫu Prologue EV của họ dựa trên nền tảng Ultium của GM.
Theo InsideEVs, sự hợp tác của các hãng xe này là điều tự nhiên trong bối cảnh tất cả đang đối mặt khó khăn. Họ đều có thể mang đến những lợi thế riêng. Honda có kế hoạch 65 tỷ USD để phổ biến xe điện, Nissan mang lại kiến thức từ việc triển khai chiếc xe điện đầu tiên sản xuất hàng loạt trên thế giới (Nissan Leaf) và Mitsubishi có vị thế mạnh ở Đông Nam Á.
Giờ đây, khi họ thực sự hợp tác với nhau, thách thức thực sự sẽ là làm cho các sản phẩm của họ trở nên độc đáo và tránh những cơn ác mộng về phần mềm bằng cách học hỏi từ những sai lầm của các nhà sản xuất ô tô khác.