Tác động của vụ gian lận thử nghiệm đến lợi nhuận được đánh giá là không đáng kể, nhưng các nhà đầu tư lo ngại về khả năng quản trị toàn diện của tập đoàn.
Nội dung chính
Vốn hóa thị trường của Toyota sụt giảm nghiêm trọng sau gian lận thử nghiệm
Theo tờ Nikkei Asia, giá trị vốn hóa thị trường của Toyota Motor đã giảm khoảng 2,9 nghìn tỷ yên (18,5 tỷ USD) sau khi vụ bê bối về vấn đề an toàn được công khai trong tuần này, trong bối cảnh các nhà đầu tư đặt câu hỏi về vấn đề quản trị của tập đoàn.
Vào thứ Hai, Toyota đã thừa nhận có sự bất thường trong các thử nghiệm an toàn để chứng nhận mẫu xe sau một cuộc điều tra nội bộ do Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản yêu cầu.
Giá cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô đã giảm trong ba ngày liên tiếp, mất 5% giá trị. Cổ phiếu hồi phục nhẹ vào hôm 6/6, sau đó giảm trở lại vào hôm sau.
Sự suy giảm này khiến Toyota bị Tesla bỏ xa. Nhà sản xuất xe điện đã vượt qua Toyota trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới về vốn hóa thị trường vào tháng 7 năm 2020. Toyota thu hẹp khoảng cách gần đây do nhu cầu xe điện chậm lại và hy vọng sẽ giành lại vị trí dẫn đầu cho đến khi vụ bê bối an toàn làm chậm đà “tiến công” của họ.
Nhiều chuyên gia cho rằng vụ việc này sẽ có ảnh hưởng không đáng kể đến lợi nhuận của Toyota.
Công ty đã tạm dừng sản xuất Yaris Cross và hai mẫu xe khác liên quan đến vụ bê bối, nhưng tổng sản lượng của chúng chỉ vào khoảng 130.000 xe mỗi năm, tương đương khoảng 1% trong số hơn 10 triệu xe Toyota sản xuất trên toàn cầu.
Một báo cáo từ Kohei Takahashi, nhà phân tích tại UBS, cho biết việc ngừng bán các mẫu xe này trong một tháng sẽ làm giảm lợi nhuận hoạt động từ 10 tỷ yên đến 15 tỷ yên.
Yoshitaka Ishiyama, nhà phân tích tại Mizuho Securities, ước tính tác động của việc ngừng sản xuất đối với lợi nhuận của Toyota là 9 tỷ yên mỗi tháng, trong khi khoản bồi thường cho các nhà cung cấp sẽ là 22 tỷ yên mỗi tháng ở mức cao nhất.
Toyota dự báo lợi nhuận hoạt động năm tài chính này là 4,3 nghìn tỷ yên, có nghĩa là tổng mức ảnh hưởng đến lợi nhuận sẽ ít hơn 1%.
Áp lực gia tăng về vấn đề quản trị tập đoàn của Toyota
Tuy nhiên, vụ bê bối thử nghiệm vẫn gây áp lực nặng nề lên cổ phiếu của Toyota, cho thấy thị trường lo ngại về các vấn đề khác.
"Vấn đề quản trị là mối lo ngại lớn hơn tác động đến lợi nhuận," Koji Endo của SBI Securities cho biết.
Các công ty trong tập đoàn Toyota như Hino Motors, Daihatsu Motor và Toyota Industries đã từng gặp phải các vụ bê bối trước đó. Giờ đây, các bất thường tương tự xuất hiện tại công ty mẹ, khi mà công ty đã cam kết dẫn đầu cải cách khả năng quản trị của tập đoàn.
Kota Yuzawa, nhà phân tích tại Goldman Sachs, cho biết: "Từ góc độ tuân thủ pháp lý, Toyota cần có sự quản trị mạnh mẽ hơn trong tương lai."
Với việc Toyota không phát hiện ra các vấn đề thử nghiệm, cổ phiếu của họ "đã trở nên khó mua hơn do lo ngại liệu một vụ bê bối khác có xuất hiện hay không," Tomoichiro Kubota tại Matsui Securities nhấn mạnh.
Cải thiện vấn đề quản trị liên quan đến kiểm soát chất lượng có thể sẽ là điểm trọng tâm của cuộc họp cổ đông thường niên sắp tới của Toyota, dự kiến diễn ra vào ngày 18 tháng 6.
Hồi cuối tháng trước, các công ty đại diện cổ đông Mỹ là Institutional Shareholder Services (ISS) và Glass Lewis đã khuyên nhà đầu tư bỏ phiếu chống lại việc tái bổ nhiệm Chủ tịch Toyota Akio Toyoda.
Các đại diện này lập luận rằng trách nhiệm cho loạt bất thường trong chứng nhận của Toyota nên thuộc về người đứng đầu công ty trong nhiều năm. Nhận xét này được đưa ra trước khi các vấn đề tại chính Toyota được công khai.
"Tôi muốn thấy chính phủ và các nhà sản xuất ô tô hợp tác và thảo luận về những gì sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng và cải thiện tính cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, cũng như cách xử lý hệ thống chứng nhận," Toyoda chia sẻ.
Hiện tại, vụ bê bối thử nghiệm được dự đoán có thể ảnh hưởng đến nhiều mẫu xe hơn tùy thuộc vào những gì được phát hiện qua cuộc điều tra nội bộ của Toyota. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô này vẫn đang duy trì đà tăng trưởng, chủ yếu đến từ sự tập trung vào xe hybrid.