Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp, Novak Djokovic một lần nữa lên tiếng phản đối việc các tay vợt đang thiếu cơ hội đưa ra quyết định trong cơ cấu ATP và WTA hiện tại.
Novak Djokovic thành lập Hiệp hội tay vợt chuyên nghiệp (PTPA) vào năm 2019 với sự hợp tác của tay vợt người Canada Vasek Pospisil. Bộ đôi đã hợp lực để nêu bật và giải quyết những bất cập mà các tay vợt gặp phải trong quá trình tham gia thi đấu tại các hệ thống giải đấu do ATP và WTA tổ chức.
Những tay vợt khác như Paula Badosa, Hubert Hurkacz và Ons Jabeur đều là những người có sức ảnh hưởng trong làng quần vợt, gia nhập PTPA cho đến nay với nỗ lực nâng cao hơn nữa lợi ích của người chơi.
Djokovic thường xuyên tham gia vào quá trình giải quyết và thuyết phục các đồng nghiệp tham gia PTPA. Gần đây nhất, anh nói về mức độ mà các vận động viên bị từ chối khi đưa ra yêu cầu về quyền lợi của mình.
"Như chúng ta đã biết, hệ thống các giải đấu được tổ chức theo cấu trúc tiêu chuẩn chung và thành lập theo cách riêng, do đó người chơi không thực sự có vai trò đưa ra quyết định và yêu cầu những điều mang lại lợi ích cá nhân.", tay vợt người Serbia nói.
Tay vợt 36 tuổi khẳng định anh nhận thức rõ những bất cập trong hệ thống sau thời gian hoạt động với cương vị chủ tịch Hiệp hội PTPA.
“Thực tế, ý tôi muốn nói đến cả vấn đề quản lý của hệ thống ATP và WTA. Những lợi ích các giải đấu có thể nhận được lên tới 50%, điều này khiến người chơi chịu nhiều thiệt thòi. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ luôn có xung đột lợi ích.”
Trước đó, tay vợt số 1 thế giới cũng đã phải lên tiếng về những vấn đề liên quan đến việc thay đổi bóng thi đấu quá nhiều ở các giải đấu khác nhau. Điều này có khả năng trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng cho các tay vợt, đặc biệt với các tay vợt nữ. Cảm giác bóng khác nhau khiến người chơi khó cảm nhận và điều chỉnh, từ đó dẫn đến các chấn thương hi hữu ở vai hoặc các nhóm cơ tạo ra nhiều chuyển động như cổ tay.