Thông tin việc làm mới nhất tại https://www.careerlink.vn/
1.Dùng hơn một mạng xã hội
Nếu bạn đang tìm việc, hãy lập tài khoản trên các trang mạng xã hội. Nhà tuyển dụng sử dụng mạng xã hội như một kênh đăng tin tuyển dụng, tìm kiếm ứng viên phù hợp với yêu cầu vị trí công việc. Vì thế, bạn nên cập nhật, công khai thông tin về chuyên môn, kỹ năng, quá trình làm việc, và chủ động tìm được công việc ưng ý.
2. Ảnh đại diện dễ nhận diện
Khi sở hữu tài khoản trên mạng xã hội, ứng viên cần lưu ý đến ảnh đại diện. Lời khuyên là nên chọn ảnh chân dung. Điều này giúp nhà tuyển dụng dễ nhận diện bạn hơn và hình ảnh của bạn cũng chuyên nghiệp hơn.
Lưu ý nhỏ, không nên chọn ảnh quá lố lăng, không phù hợp với phong tục tập quán, vì nhà tuyển dụng ngay lập tức sẽ bỏ qua hồ sơ của bạn.
3. Giới thiệu kỹ năng nổi bật
Trên Facebook, Twitter, LinkedIn luôn có mục tự giới thiệu bản thân. Hãy tận dụng tính năng này, mô tả về bản thân thật ngắn gọn, kèm đó là những kỹ năng nổi bật. Nếu ứng tuyển vào công ty du lịch, bạn nên thể hiện sở thích đi đây đó, kĩ năng giao tiếp, khả năng sử dụng hai hoặc nhiều ngoại ngữ.
4. Chia sẻ bài viết, suy nghĩ về ngành nghề
Nếu bạn có ít không gian thể hiện suy nghĩ, quan điểm về công việc trong hồ sơ ứng tuyển thì mạng xã hội là nơi tuyệt vời để bạn chia sẻ điều đó. Bởi nhà tuyển dụng thấy được bạn đam mê và quan tâm đến ngành nghề ra sao.
Khi ứng tuyển vào công ty du lịch, bài viết về cách đối mặt với những tình huống bất ngờ trong chuyến đi có nhiều người quan tâm sẽ được đánh giá cao. Lưu ý, bài viết nên đi theo cảm xúc tích cực và chia sẻ kiến thức thực tiễn từ bản thân bạn.
5. Tham gia vào các nhóm tuyển dụng
Trên Facebook hay Twitter, có rất nhiều nhóm tuyển dụng, những nhóm này như một mạng lưới việc làm. Nhà tuyển dụng sẽ đăng nhu cầu tìm nhân lực và ứng viên có thể gửi thông điệp tìm kiếm việc làm vào trong nhóm. Hệ thống sẽ tự động báo về tài khoản người dùng khi có người đăng tin, rất dễ dàng để theo dõi.
6. Theo dõi Fanpage liên quan đến ngành nghề
Ngoài các hội nhóm, có rất nhiều trang chuyên đăng tải thông tin về một chuyên ngành nhất định, trên Facebook gọi là Fanpage, còn trên Twitter là Trend. Nó hoạt động như một tờ báo điện tử. Quản trị viên sẽ đăng bài viết liên quan đến chuyên ngành, bạn có thể đọc, nhận xét, chia sẻ. Cụ thể, nếu tìm công việc liên quan đến marketing, bạn nên theo dõi BrandsVietNam, Marketing Pro...
Nguồn thông tin được cập nhật thường xuyên, giúp ứng viên nắm bắt nhanh chóng kiến thức về ngành nghề. Do không có quy trình kiểm duyệt rõ ràng, nên bạn hãy đọc và tiếp thu thông tin có chọn lọc.
7. Chức năng riêng tư
Mạng xã hội sẽ là “con dao hai lưỡi” nếu bạn không biết cách sử dụng khéo léo. Mọi cảm xúc tiêu cực, thông tin không lành mạnh là điểm trừ lớn nếu nhà tuyển dụng nhìn thấy trên trang cá nhân của ứng viên. Hãy sử dụng chức năng "riêng tư", chặn thông tin mà bạn không muốn công khai, chẳng hạn bạn muốn viết gì đó với ngôn từ "đời thường" để giải tỏa căng thẳng.
Sử dụng mạng xã hội đúng mục đích, bạn sẽ nâng cao khả năng tìm được công việc ưng ý. Chúc bạn thành công.
Hoàng Thái