Dù không có một bản lý lịch hoành tráng, nhưng với cơ chế “mở” được lãnh đạo VFF hứa hẹn, ông Toshiya Miura, tân HLV trưởng ĐTQG và Olympic QG, tự tin sẽ thành công với bóng đá Việt Nam, dù đây mới là lần đầu tiên người đàn ông 51 tuổi người Nhật Bản dẫn dắt một ĐTQG.
Nội dung chính
Lãnh đạo VFF và tận HLV trưởng ĐTVN trong buổi ra mắt
Trong buổi họp báo và ký kết hợp đồng với HLV Miura tại TP.HCM sáng qua, những người đứng đầu VFF bày tỏ sự ủng hộ gần như tuyệt đối vào “gà nhà”. Lẽ dĩ nhiên, phần căng thẳng nhất của buổi họp báo là 30 phút trả lời phỏng vấn báo chí của người trong cuộc. Thể thao & Văn hóa xin đăng trích lại.
Hợp tác toàn diện
* Không có kinh nghiệm dẫn dắt ĐTQG, ông Miura thậm chí chưa từng kinh qua bất cứ CLB nào ở J-League 1 quá 2 năm. Vậy ông có tự tin rằng mình sẽ thành công ở Việt Nam, nền bóng đá mà ông chỉ có những hiểu biết khá hạn chế?
- HLV Toshiya Miura: Tôi không gắn bó với CLB nào quá 2 năm, nhưng tôi không cho rằng đây là vấn đề quá lớn. Và nếu các bạn kiểm tra quá trình huấn luyện của các HLV đang làm việc ở Nhật Bản, chỉ có khoảng 10 HLV từng trải qua hơn 400 trận tại J-League 1, trong đó có tôi. Và đó là cơ sở để để tôi tin rằng, mình có thể thành công.
* Đã lâu lắm rồi, ĐT Việt Nam mới quay lại với phương án HLV nước ngoài, cụ thể là người Nhật, vậy lý do đưa ra là gì? Phải chăng VFF đang đặt cược vào một canh bạc mà chúng ta không chắc nắm phần thắng?
- Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: Câu hỏi rất cũ và câu trả lời cũng cũ, mà tôi đã trình bày tại Đại hội VFF khóa VII, hôm 25/3 rồi. Theo truyền thống, chúng ta thường chỉ thông qua các nhà môi giới, hoặc nhận hồ sơ trực tiếp từ các ứng viên, rồi tự cập nhật.
Trên cơ sở đó, chúng ta đã từng hợp tác với rất nhiều HLV đến từ Brazil, Đức, Áo, Anh, Bồ Đào Nha… Cá nhân tôi, cùng các anh trong Ban chấp hành, đã thống nhất chuyển cách làm, từ việc chọn các chuyên gia về cộng tác trong một thời gian ngắn, thông qua một hay vài giải đấu, để thay bằng bằng việc hợp tác với một nền bóng đá phát triển.
Nhưng, chúng ta không thể dựa vào Trung Quốc, Australia hay các nước Đông Nam Á láng giềng… Như vậy, chỉ còn lại Hàn Quốc và Nhật Bản, cuối cùng chúng tôi chọn Nhật Bản, dựa trên cơ sở hợp tác toàn diện. Đây là một quốc gia phát triển, đặc biệt là nền bóng đá tiên tiến nhất trong khu vực.
Tôi biết các bạn sẽ thắc mắc, tại sao không chọn HLV đã từng huấn luyện ĐTQG Nhật Bản?! Họ đã là một thương hiệu, nên cái giá rất cao, tôi không tiện nói ở đây, nhưng chắc chắn chúng ta không thể kham nổi.
JFA, Chủ tịch và Giám đốc J-League 1 đã giới thiệu ông Miura với Việt Nam. Tôi tin rằng, ông ấy sẽ đạt được mục tiêu như chúng tôi kỳ vọng. Quan điểm chiến lược, xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2014-2018 là kiên quyết không chạy theo thành tích trước mắt. Nếu tôi không bị Ban chấp hành hay Liên đoàn cách chức, tôi sẽ vẫn trung thành với phương án ấy, dù có thể tôi sẽ phải “ăn đòn”.
Sắp tới, chúng tôi sẽ bàn với JFA và nhờ họ giới thiệu cho chúng ta một GĐKT để kiện toàn bộ ba Nhật Bản, từ trưởng BTC V-League, đến ĐTQG và hệ thống các ĐT trẻ của nền bóng đá, trong việc định hình lối chơi, tổ chức, theo quan điểm nhất quán học theo bóng đá Nhật Bản. Có thể thành công, có thể thất bại, nhưng chúng ta có cơ sở để kỳ vọng.
Không đặt nặng thành tích trước mắt, nhưng chúng ta sẻ không từ bỏ mục tiêu, tại các giải đấu như AFF Cup 2014 hay SEA Games 28 tại Singapore năm 2015. Chúng ta sẽ cố gắng ở mức cao nhất, còn kết quả đến đâu, thì còn tùy.
Bóng chưa ngừng lăn, thì đừng nói trước điều gì. Hẳn tất cả còn nhớ, khi HLV Henrique Calisto đến Việt Nam, chúng ta có coi ông ấy ra gì đâu?! Sau đó thì thế nào?! Nghề gì cũng vậy, cần có thời gian, không thể một phát ăn ngay. Chúng ta không phải Tôn Ngộ Không…
Lại “một nách 2 con”
* Chúng ta từng rất nhiều lần thất bại với các HLV cùng một lúc dẫn dắt nhiều ĐTQG. Vậy tại sao VFF lại tiếp tục với phương án này?
- Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn: Ban tổng thư ký đã làm việc với HLV trưởng và nghiên cứu rất kỹ thời gian tập trung của các ĐTQG trong giai đoạn 2014-2016. Đây là giai đoạn chuyển giao thế hệ, quá trình gắn bó, theo dõi, huấn luyện…, nếu không trùng về mặt thời gian, thì đó còn là sự thuận lợi.
ĐTQG cần nhân tố mới từ U23, sau khi thế hệ vàng giải nghệ. Việc HLV trường đồng hành cùng 2 ĐT, theo tôi đó là một thuận lợi, chứ không phải khó khăn. Riêng năm 2016, chúng ta có vòng loại Asian Cup, World Cup và AFF Cup…, toàn những mục tiêu quan trọng.
* Bóng đá thế giới có rất ít những tiền lệ “một nách 2 con”. Tại sao ông lại chấp nhận thử thách này, vì thu nhập hay vì nhu cầu khẳng định mình, thưa HLV Miura?
- HLV Miura: Tôi đã nghiên cứu rất kỹ về thời gian tập trung các ĐTQG, nên không có vấn đề gì cả. Cũng như PCT Trần Quốc Tuấn đã trình bày, các cầu thủ khi được tập cùng một triết lý chơi bóng, cũng như phong các huấn luyện, người trẻ sẽ không bỡ ngỡ khi lên ĐTQG.
* Cảm giác của ông như thế nào khi ông mới qua Việt Nam, nhưng lại không được giới truyền thông đánh giá cao về năng lực? Ông Lê Hùng Dũng sẵn sàng “chịu đòn”, thế còn ông, ông có sẵn sàng chia sẻ sức ép ấy và sẵn sàng từ chức, nếu thất bại không, thưa ông Miura?
- HLV Miura: Sức ép là một phần không thể thiếu của công việc huấn luyện, việc chịu đựng áp lực không bao giờ là trở ngại với tôi cả. Tôi muốn giành chiến thắng ở mọi trận đấu của đội bóng mà mình dẫn dắt.
Khi chấp nhận công việc này, tôi không nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Tôi tin tưởng vào lựa chọn của mình và sẽ nỗ lực tốt nhất để có được thành quả tốt nhất.
* Thông thường, một HLV chuyên nghiệp luôn đem theo cả một “ê-kíp”, ví như trợ lý HLV thể lực, bác sỹ…, nhưng ông lại “đơn thương độc mã” đến Việt Nam và chắc chắn VFF sẽ quyết thay cho ông việc này. Ông có đề xuất gì không?
- Một câu hỏi rất thú vị! Nếu được, sẽ là cực kỳ thuận lợi khi có các trợ lý người Nhật Bản theo cùng. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, tôi hoàn toàn tin tưởng và sự hỗ trợ của Liên đoàn và tôi sẽ cố gắng để hoàn thành tốt công việc một mình.