Căn bệnh Parkinson khiến Muhammad Ali gục ngã và không thể đứng dậy, nhưng tinh thần của võ sĩ quyền anh nổi tiếng này vẫn sống mãi.
Nội dung chính
“Nhà vô địch vĩ đại” , “thần tượng của công chúng”, “biểu tượng của xã hội”, “sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc” hay “cột mốc của hi vọng trong bốn thập kỷ qua”..., Muhammad Ali nhận được rất nhiều lời khen như vậy trong ngày sinh nhật thứ 65 của mình, tức gần 10 năm trước. Sports Illustrated từng vinh danh ông là "VĐV thể thao của thế kỷ", còn BBC mô tả tay đấm này là "VĐV có tinh thần thể thao của thế kỷ".
Cuộc đời Muhammad Ali không chỉ là những trận đấu, chuyện đào hoa trên chốn tình trường, đó còn là hình ảnh một chàng trai da màu mang tinh thần phản chiến sâu sắc. Muhammad Ali không sợ bất kỳ điều gì, ngay cả khi đó là phải vào tù. Ông phản đối chiến tranh một cách kịch liệt, nhất là cuộc chiến ở Việt Nam. Câu nói nổi tiếng: "Tôi không có thù ghét gì với Việt Cộng cả, họ không gọi tôi là mọi đen", liên tục được nhắc đến từ các mặt báo đến truyền hình khi nói về tay đấm vĩ đại nước Mỹ.
Hình ảnh cho thấy sự lạc quan của Ali trong lần gọi nhập ngũ. Ảnh: Bettmann/CORBIS
Báo Guardian kể lại rằng, Muhammad Ali giữ một thái độ rất kiêu hãnh khi bị gọi nhập ngũ vào năm 1967. Ngày 27/4/1967, ông đứng chung hàng cùng 11 người khác trước căn phòng cũ kỹ của Bưu điện ở Houston, Texas (Mỹ) để chờ thủ tục giấy tờ liên quan đến quân đội. Một tiếng gọi Muhammad Ali bằng cái tên theo đạo Hồi, tức Cassius Clay, vang lên. Chàng thanh niên đó vẫn bất động mãi tới khi một cảnh sát tới gần và nói: "Ngài Ali, anh vui lòng đi với tôi chứ?".
Clay không nói tiếng nào, nhưng đi theo viên sĩ quan rời khỏi căn phòng sau khi nhận những cảnh báo vì không chịu nhập ngũ. Lần đầu tiên, Muhammad Ali từ chối gia nhập quân đội như vậy. Tới lần thứ hai, anh vẫn giữ lập trường của mình. Đó cũng trở thành chữ ký mở ra một điều tồi tệ nhất mà Muhammad Ali không ngờ tới. Anh bắt đầu bị uy hiếp, từ Hội đồng quyền anh New York, rồi Hiệp hội quyền anh thế giới và Hội đồng quyền anh Texas, họ dọa tước đai vô địch.
Là người yêu chuộng hòa bình, Muhammad Ali sớm nhận ra sự phi nghĩa từ cuộc chiến mà Mỹ thực hiện ở Việt Nam. "Tôi không gây hấn với người Việt Nam. Tại sao tôi phải đi 10.000 dặm để thả bom lên đầu người Việt vô tội trong khi những người da đen ở Louisville vẫn bị đối xử tệ bạc và không thể nhận quyền con người cơ bản?”, Ali tuyên bố trước lời yêu cầu nhập ngũ lần thứ hai.
Biết trước điều gì đang chờ đợi mình, Muhammad Ali không sợ hãi. Ông thách thức: "Tôi giành được đai vô địch thế giới vì nó thuộc về tôi, không phải tôn giáo hay sắc tộc. Tôi giành được đai vô địch nhờ chiến thắng trên sàn đấu. Nếu ai muốn tước danh hiệu của tôi vì sự bất tuân nhập ngũ thì đó có lẽ là điều hổ thẹn nhất... Người hâm mộ thể thao trên toàn nước Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận những chuyện như vậy".
Ali không bao giờ ủng hộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: AP
Muhammad Ali phải trả giá vì điều đó. Ông bị tước đai vô địch, nộp phạt 10.000 USD và nhận 5 năm tù. Ngoài ra, nhà vô địch quyền anh này còn bị tước cả hộ chiếu và giấy phép hành nghề trên đất Mỹ. Cho tới nay, thời điểm huyền thoại quyền anh đã ngã xuống mãi mãi, hình ảnh người thanh niên đầy lạc quan, đầu ngẩng lên trời trong buổi nhập ngũ thứ hai trở thành khoảnh khắc bất diệt.
Ông là hiện thân của chủ nghĩa yêu chuộng hòa bình. Trong thời gian không hoạt động sự quyền anh, Muhammad Ali cũng trở thành một nhân vật chính trị năng động, tham gia vào nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ người dân không chỉ sống ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Phong trào phản chiến trên đất Mỹ cũng nổi dậy mạnh mẽ từ đó. Muhammad Ali cũng tìm được sự thông cảm từ dân Mỹ khắp đất nước, nhờ những chuyến thiện nguyện phát biểu tại các trường đại học về chỉ trích chiến tranh và bình đẳng giới.
Ngày 4/6/2016, làng quyền anh nói riêng chết lặng khi Muhammad Ali trút hơi thở cuối cùng vì bệnh tật. Ông không còn nữa, nhưng tinh thần luôn sống mãi. Câu chuyện chàng trai dám thách thức cả tòa án và nhất quyết không chịu nhập ngũ sẽ còn được nhắc lại. Muhammad Ali, một sứ giả của hòa bình. Nguồn cảm hứng của rất nhiều tay đấm, và cả những giá trị nhân văn.
Theo Nguyên Trí (Zing.vn)